VÀI NÉT VỀ VĂN HÓA DÂN TỘC MÔNG
- Thứ ba - 10/03/2020 20:20
- In ra
- Đóng cửa sổ này
7
Nằm trong một quốc gia đa dân tộc, dân tộc H'mông được coi là một thành viên quan trọng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Cùng với 53 dân tộc anh em, người H’mông luôn là một phần của sự thống nhất khối đại đoàn kết dân tộc và góp phần làm phong phú cho nền văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Dân tộc H’mông thuộc nhóm ngôn ngữ: H’mông - Dao. Người H’mông (từ Quí Châu - Vân Nam - Quảng Tây - Trung Quốc) di cư vào Việt Nam cách nay khoảng 300 năm, bằng nhiều đợt, rải rác suốt thời gian dài cho tới cuối thế kỷ XIX. Người H’mông vào Việt Nam là do nguyên nhân: trong lịch sử các triều đại phong kiến Trung Hoa đã gây ra nhiều cuộc chiến tranh tàn bạo và đẫm máu, đàn áp nhiều tộc người (trong đó có dân tộc H’mông), để giành quyền cai trị đất nước, làm người H’mông phải di cư đi khắp nơi.
Dân tộc H'mông cư trú gồm hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc trong một địa bàn khá rộng lớn, dọc theo biên giới Việt - Trung và Việt - Lào từ Lạng Sơn đến Nghệ An, trong đó tập trung chủ yếu ở các tỉnh thuộc Đông và Tây bắc Việt Nam như: Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La... Do tập quán du mục nên một số người H'mông trong những năm 1980, 1990 đã di dân vào tận Tây Nguyên, sống rải rác ở một số nơi thuộc Gia Lai và Kon Tum.
Các vùng người H'mông sinh sống thường có chợ phiên. Chợ phiên qui định họp 6 ngày một lần (có nơi 5 ngày một phiên). Quan hệ trao đổi hàng hoá trên cơ sở vật đổi lấy vật, dùng tiền tệ trao đổi rất ít. Chợ phiên vừa là nơi trao đổi hàng hoá, vừa là nơi gặp gỡ các tầng lớp trong xã hội. Trong đó, có một phiên chợ mang nét đặc sắc văn hóa của người H’mông, đó là “Chợ tình”. Chợ tình được tổ chức mỗi năm một lần. Chợ tình Sapa, là nơi thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc này.
Người H’mông phân chia thành 4 nhóm: H'mông Hoa (H'mông Lềnh), H’mông Đen (H’mông Dú), H’mông Xanh (H’mông Chúa), H’mông Trắng (H’mông Đu). Tuy có 4 nhóm H’mông khác nhau, nhưng về ngôn ngữ và văn hoá cơ bản giống nhau, sự khác nhau giữa các nhóm chủ yếu là dựa trên trang phục phụ nữ.
Trang phục cổ truyền của người phụ nữ H’mông gồm: váy, áo xẻ ngực, yếm lưng, có tấm vải che phía trước và vuông vải nhỏ che lưng phía sau, thắt lưng, khăn quấn đầu, chân vấn xà cạp. Váy hình nón cụt, xếp nhiều nếp xoè rộng.
+ Phụ nữ H’mông Trắng mang trang phục váy trắng, áo xẻ ngực có thêu hoa văn ở cánh tay và yếm lưng. Phụ nữ H’mông trắng cạo tóc xung quanh và để chỏm lớn ở đỉnh đầu, quấn khăn vành rộng.
+ Phụ nữ H’mông Hoa mang trang phục váy màu chàm, có thêu hoa ở gấu váy. Mặc áo xẻ nách, trên vai và ngực có cạp thêm vải màu, thêu hình hoa văn con ốc. Phụ nữ H’mông Hoa để tóc dài quấn quanh đầu, sau đó còn quấn thêm tóc giả.
+ Phụ nữ H’mông Đen mang trang phục váy màu chàm, có in hoa văn ở gấu, ngắn hơn váy Hmông Hoa, mặc áo xẻ giữa ngực, thêu hoa văn ở cánh tay và hò áo.
+ Phụ nữ Hmông Xanh mang trang phục váy hình ống màu chàm, gấu váy thêu hoa văn hình chữ thập trong hình các ô vuông, áo mở chếch ngực xẻ thẳng về bên trái, cài một cúc, cánh tay áo đắp thêm những miếng vải màu đỏ và cổ tay áo có thêu hoa văn. Người H’mông Xanh, con gái để tóc xoã ngang vai, khi lấy chồng mới quấn tóc lên đỉnh đầu và dùng lược móng ngựa cặp ngược tóc về phía trước, trùm khăn trên đầu.
Ngày nay, trang phục phụ nữ H’mông có những thay đổi: phụ nữ H’mông Sa Pa mặc quần ống ngắn và hẹp, áo khoác ngoài kép xẻ ngực cổ cứng thiêu hoa văn. Phụ nữ H’mông Trắng Sơn La mặc quần ống dài, mặc áo cánh trắng bên trong, măc áo cổ truyền bên ngoài. Phụ nữ H’mông Hoa mặc áo hở nách.
Người H’mông có những đồ trang sức: khuyên tai, vòng cổ, vòng tay, nhẫn đồng, nhẫn bạc, nhẫn vàng. Nếu trên tay có 2 nhẫn là người đó đã có vợ hoặc có chồng. Phụ nữ thích dùng chiếc ô màu sắc đẹp, vừa có tác dụng che mưa, che nắng và làm vật trang sức cho mình, tạo nên nét duyên dáng.
Nghề dệt vải lanh là một trong những hoạt động sản xuất đặc sắc của người H’mông. Họ phát triển đa dạng các nghề thủ công như đan lát, rèn, làm yên cương ngựa, đồ gỗ, nhất là các đồ đựng; làm giấy bản, đồ trang sức bằng bạc phục vụ nhu cầu và thị hiếu của người dân.
Hôn nhân gia đình của người H’mông theo tập quán tự do kén chọn bạn đời. Những người cùng dòng họ không lấy nhau. Thanh niên nam nữ được lựa chọn bạn đời. Việc lựa chọn bạn đời được biểu hiện ở tục “cướp vợ” trước đây. Người thanh niên cùng bạn bè cướp người con gái yêu thích về ở nhà mình vài hôm rồi thông báo cho gia đình nhà gái biết. Vợ chồng người H’mông rất ít bỏ nhau, họ sống với nhau hòa thuận, cùng làm ăn, cùng lên nương, xuống chợ...
Người H’mông có một đời sống tinh thần đa dạng và phong phú về phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng và chữ viết, tiếng nói, văn hoá nghệ thuật.
Trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, dân tộc H’mông là một trong những dân tộc ít bị mai một hơn về bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Văn hoá H’mông là một thành tố văn hoá Việt Nam, bản sắc văn hoá độc đáo của họ đã đóng góp và làm phong phú cho nền văn hoá Việt Nam. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế như hiện nay, để phát triển “hòa nhập” mà không bị hòa tan, mất bản sắc, thì việc bảo tồn văn hóa dân tộc đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, tâm huyết, bền bỉ, lâu dài. Có như thế những giá trị văn hóa sẽ mãi mãi được gìn giữ và phát huy.
Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ là một trong những Bảo tàng đã và đang thực hiện việc bảo tồn văn hóa dân tộc thông qua công tác nghiên cứu, sưu tầm và trưng bày về trang phục truyền thống của phụ nữ các dân tộc Việt Nam; qua đó giới thiệu rộng rãi đến công chúng trong và ngoài nước sự đa dạng của nên văn hóa dân tộc Việt Nam.