Trang thông tin điện tử trường PTDTBTTHCS Nong U

https://ptdtbtthcsnongu.pgddienbiendong.edu.vn


THÁNG BA LỄ HỘI HOA BAN

THÁNG BA LỄ HỘI HOA BAN
Cứ đến cuối đông, đầu xuân, tháng ba ra tết là khắp cánh rừng Tây Bắc lại phủ một màu trắng muốt, tinh khôi. Có lúc phơn phớt tím nhẹ, có khi lạ trắng như bông. Màu sắc ấy không đâu khác chính là sắc trắng hoa ban rừng.
“Anh đã về quê hương em Tây Bắc
Ngắm hoa ban xuân đến nở trắng trời
Cánh hoa thắm hình tim người thiếu nữ
Hình tim nào cũng e ấp thành đôi.
Cây khẳng khiu dáng hình thanh mảnh
Anh nhớ em ngơ ngẩn bên đồi
Có phải nhớ thương hoá thành cánh trắng
Có phải mùa xuân, hoa thắm môi người
Có phải chút tình yêu mòn mỏi
Nén lòng này buốt thành giọt sương rơi
Có phải tình yêu qua đau khổ
Mới nên duyên thương nhớ trọn đời.
Anh đi qua những cánh rừng Tây Bắc
Mỗi con đường lác đác cánh hoa rơi
Tình em đã hoá thành Hoa Ban trắng
Hạnh phúc nào hơn… người mãi mãi yêu người.
Hoa Ban ơi Hoa Ban
Hoa cứ nở thắm trời hoa nhé
Hoa của tình yêu ngàn đời vẫn trẻ
           “Tình yêu không có tuổi bao giờ…”   
Cứ đến cuối đông, đầu xuân, tháng ba ra tết là khắp cánh rừng Tây Bắc lại phủ một màu trắng muốt, tinh khôi. Có lúc phơn phớt tím nhẹ, có khi lạ trắng như bông. Màu sắc ấy không đâu khác chính là sắc trắng hoa ban rừng.
Hoa ban có ở nhiều nơi nhưng ở Tây Bắc là nhiều nhất, bởi cái không khí khô lạnh nơi đây, cùng đất rừng khiến cho loài cây này có một sức sống mãnh liệt. Từng cành khẳng khiu tưởng chừng như những bàn tay già cỗi lại bung nở những bông hoa tinh khiết, trong trẻo.
Ban đẹp là thế, tinh khôi là thế nhưng ít ai biết rằng nguồn gốc nó lại gắn với những câu chuyện đặc biệt. Người Thái kể rằng để tưởng nhớ và bày tỏ niềm thương tiếc với người anh hùng dân tộc Chương Han đã dũng cảm đứng lên chống lại các thế lực đàn áp, áp bức bóc lột tàn khốc, nhân dân đã buộc những mảnh khăn tang trên cành cây. Về sau trên những cành cây ấy như có phép màu đã hóa những chiếc khăn tang thành những bông hoa ban trắng muốt tuyệt đẹp.
Còn đối với người Tày, lại tương truyền một sự tích khác về hoa ban. Đó là mối tình giữa nàng Ban và chàng Khum. Do cha mẹ nàng Ban không đồng ý cho nàng lấy chàng Khum nghèo đói nên nàng đã bỏ đi. Nàng đi mãi, đi mãi, băng qua bao nhiêu suối sâu, đèo cao mà không tìm được chàng Khum. Rồi sức nàng kiệt, nàng hóa thân vào đất và nơi nàng nằm mọc lên vô số cây và người ta gọi đó là cây Ban.
Chàng Khum sau khi đến chỗ hẹn không gặp được nàng Ban đã chạy đi tìm nàng, chàng đi hết đồi này đến đồi khác, gọi mãi mà không thấy nàng đâu. Chàng vừa đi vừa gọi cho đến khi kiệt sức và hóa thành con chim Lộc Khum. Từ đấy về sau mỗi mùa xuân về, hoa ban đua nở cũng là lúc chim Lộc Khum hót. Một tình yêu vĩnh cửu của hai người đã cảm động cả đất trời và thiên nhiên.
Hoa ban mang một màu trắng tinh khiết cùng một sức sống mạnh mẽ - là biểu tượng cho sự chung thủy, thuần khiết và vẻ đẹp của người phụ nữ. Đồng thời thể hiện sức sống mãnh liệt, sự kiên cường trước mọi khó khăn, sóng gió của con người để vươn lên đón nhận những gì đẹp nhất, trắng trong nhất. Ban Tây Bắc đẹp lắm, nở trắng trời tháng 3, mang đến một sức sống mới, một sắc màu mới, khung cảnh tuyệt vời khiến người ta say đắm không muốn rời.
          Lễ hội hoa ban được tổ chức vào tháng 3 hàng năm. Năm nay lễ hội Hoa Ban và Cuộc thi Người đẹp Hoa Ban năm 2022 sẽ được tỉnh Điện Biên tổ chức từ ngày 11 - 14/3/2022 tại TP Điện Biên Phủ với nhiều hoạt động phong phú, hứa hẹn mang lại cho người dân và du khách những cảm xúc và trải nghiệm khó quên.
Dự kiến lễ khai mạc Lễ hội Hoa Ban và Cuộc thi Người đẹp Hoa Ban năm 2022 dự kiến diễn ra từ 20 giờ đến 21 giờ 45 phút ngày 12/3/2022 tại Quảng trường 7/5, TP Điện Biên Phủ.
ảnh 1

Chương trình gồm phần nghi thức Lễ khai mạc và Chương trình nghệ thuật. Phần lễ hội gồm nhiều hoạt động như: Cuộc thi ảnh “Check in Điện Biên”; Diễu hành văn hóa đường phố với chủ đề: “Đêm hội Hoa Ban” (từ 19 giờ 45 phút đến 21 giờ, ngày 11/3/2022 tại một số trục đường trung tâm trên địa bàn TP Điện Biên Phủ).
Từ ngày 11 - 14/3/2022, diễn ra các hoạt động gồm: Hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao (Tó mák lẹ, Tung Còn, Tù lu, Bắn nỏ, Giã bánh dày, Đẩy gậy, Kéo co); Các trò chơi dân gian, truyền thống các dân tộc như bịt mắt đập niêu, đu quay, bập bênh, tung còn giao lưu, tù lu, gánh nước qua cầu... tại khu vực di tích hầm Đờ Cát.
Tiếp đó là Không gian văn hóa vùng cao, nơi trưng bày, giới thiệu ẩm thực truyền thống, không gian phiên chợ vùng cao, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, văn hóa truyền thống các dân tộc; quảng bá các sản phẩm văn hóa, du lịch; chương trình văn nghệ, giới thiệu dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống và các hoạt động cộng đồng của đồng bào các dân tộc Điện Biên.
Một hoạt động điểm nhấn của Lễ hội Hoa Ban tỉnh Điện Biên là Cuộc thi Người đẹp Hoa Ban năm 2022 được tổ chức lần thứ 3 với quy mô cấp tỉnh, diễn ra trong tháng 3/2022. Đêm chung kết diễn ra tối 14/3/2022 tại TP Điện Biên Phủ. Hoạt động này nhằm quảng bá hình ảnh hoa ban, những đặc trưng văn hóa, lịch sử riêng có của tỉnh Điện Biên và truyền tải thông điệp về sự mến khách, thân thiện của tỉnh Điện Biên.
Ngoài ra tỉnh Điện Biên còn tổ chức các hoạt động giao lưu, lễ hội, tết truyền thống như: Lễ hội Thành Bản Phủ gắn với Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Điện Biên diễn ra vào tháng 3/2022 (tháng 2 âm lịch) tại Thành Bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên; Tết Té nước (Bun Huột Nặm) dân tộc Lào diễn ra vào tháng 4/2022 tại Bản Na Sang, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên; Trình diễn dân ca, dân vũ dân nhạc các dân tộc tại cực Tây Tổ quốc vào tháng 3/2022 tại xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé.
 

Tác giả bài viết: Tổ Bộ Môn Chung

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây