Chiều ngày 29 tháng 1 năm 2024, trường PTDTBT THCS Nong U tổ chức ngày hội gói bánh Chưng cho học sinh trong trường. Tham gia ngày hội có sự hiện diện của Thầy giáo Nguyễn Văn Lâm, bí thư chi bộ Đảng, hiệu trưởng nhà trường, cùng các thầy cô giáo trong Ban giám hiệu, cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong nhà trường và các em học sinh của 9 tập thể lớp cũng hưởng ứng và tham gia đầy đủ.
Ngày hội gói bánh Chưng là một nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam, vì vậy, người Việt thường dâng bánh chưng trong lễ cúng ngày Tết để bày tỏ lòng thành, sự biết ơn đến đất trời vì một năm mưa thuận gió hòa vừa qua. Ngoài ra, bánh Chưng còn thể hiện được tinh thần uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ ông bà, tổ tiên của dân tộc Việt Nam mỗi khi tết đến xuân về.Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây.
Tết Nguyên Đán Việt Nam có ý nhĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, thể hiện sự trường tồn cuộc sống, khao khát của con người về sự hài hòa Thiên – Địa – Nhân. Tết Nguyên Đán là sự biểu hiện của mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trong tinh thần văn hóa nông nghiệp; với gia tộc và xóm làng trong tính cộng đồng dân tộc; với niềm tin thiêng liêng, cao cả trong đời sống tâm linh…
Tết Nguyên Đán (hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền, Tết năm mới hay chỉ đơn giản: Tết) là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam và một số các dân tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc khác.
Nguyên nghĩa của chữ “Tết” chính là “tiết”. Hai chữ “Nguyên Đán” có gốc chữ Hán; “nguyên” có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và “đán” là buổi sáng sớm. Cho nên đọc đúng phiên âm phải là “Tiết Nguyên Đán” (Tết Nguyên Đán được người Trung Quốc ngày nay gọi là Xuân tiết, Tân niên hoặc Nông lịch tân niên).
Do cách tính của âm lịch Việt Nam có khác với Trung Quốc cho nên Tết Nguyên Đán của người Việt Nam không hoàn toàn trùng với Tết của người Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc khác.
Vì Âm lịch là lịch theo chu kỳ vận hành của mặt trăng nên Tết Nguyên Đán muộn hơn Tết Dương lịch. Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên Đán không bao giờ trước ngày 21 tháng 1 Dương lịch và sau ngày 19 tháng 2 Dương lịch mà thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 Dương lịch. Toàn bộ dịp Tết Nguyên Đán hàng năm thường kéo dài trong khoảng 7 đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng).
Thông qua hoạt động ngày hội gói bánh Chưng xanh, nhà trường muốn nhắn nhủ tới bao các thế hệ và giáo dục học sinh trong toàn trường rằng Tết Nguyên Đán là ngày của sự may mắn, hy vọng. Tết được coi là thời điểm để mọi người ôn lại việc cũ, “làm mới” mọi điều. Chưa kể, nhiều người quan niệm rằng, Tết Nguyên Đán đến sẽ giúp xua đi những điều không tốt của năm cũ và gửi gắm ước vọng về năm mới tốt lành, sung túc và hạnh phúc.